Công trình xanh là gì? Xu hướng phát triển Công trình Xanh hiện nay
Tốc độ phát triển đô thị hoá, vấn đề về bảo vệ môi trường và năng lượng xanh đòi hỏi các công trình xây dựng phải có trách nhiệm đảm bảo tính an toàn, bền vững, thân thiện. Đây là nền tảng các vấn đề về công trình có sử dụng các yếu tố xanh. Vậy công trình xanh là gì, có những tiêu chí nào khi đánh giá công trình xanh?
Công trình xanh là gì?
Công trình xanh là công trình xây dựng được xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống của công trình và bảo vệ môi trường xung quanh.
>>> Xem thêm: Hạ tầng xanh là gì? Giải pháp về hạ tầng xanh hiệu quả
Các tiêu chí đánh giá công trình xanh
Tổng thể bền vững
Tổng thể bền vững được xác định bởi nhiều yếu tố như địa điểm xây dựng phù hợp và có những biện pháp bảo vệ môi trường và bảo tồn sinh thái trong quá trình xây dựng cũng như vận hành.
Sử dụng hiệu quả năng lượng và nước
Trong đó các công trình cần đảm bảo giảm thiểu sử dụng nước trong quá trình xây dựng để giảm dấu chân nước của tòa nhà.
Một số tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng như:
- Lớp vỏ bao che công trình cần hạn chế truyền nhiệt qua tường và mái, hạn chế hấp thụ nhiệt bức xạ
- Hệ thống điều hòa không khí đảm bảo yêu cầu hiệu quả COP theo quy định hiện hành hoặc môi chất lạnh hoạt động hiệu quả, không gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu…
- Năng lượng chiếu sáng ưu tiên ánh sáng tự nhiên, giảm phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo; thiết kế chiếu sáng hợp lý
- Lắp đặt, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và hiệu quả
Sử dụng vật liệu hiệu quả
Việc sử dụng vật liệu xanh hiệu quả không chỉ gia tăng tuổi thọ cho công trình mà còn góp phần giảm thiểu mức độ phát thải. Đây là yếu tố giúp công trình dễ ghi điểm trong các chứng nhận xanh.
Việc sử dụng hiệu quả vật liệu được thể hiện qua các tiêu chí như:
- Vật liệu đảm bảo an toàn về phòng chống độc hại
- Sử dụng vật liệu bền vững như gỗ, tre, nứa, ...
- Sử dụng vật liệu tái chế như: vật liệu được khai thác và sản xuất tại địa phương; gạch bê tông, tấm thạch cao, bê tông khí chưng áp…
Xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam
Phát triển Công trình Xanh là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị tại Việt Nam, nhưng những công trình này còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu ở kinh phí đầu tư. Kiến thức hiểu biết về công trình xanh vẫn còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện.
Tại Việt Nam, một số tổ chức quốc tế và các Hội nghề nghiệp như UNDP, IFC, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang có nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Bên cạnh đó nhiều trường đại học đang đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển xanh đô thị.
Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy phát triển xanh, đặc biệt là ngành xây dựng xanh: “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010”, “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia năm 2012”, “Cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh đến năm 2020”, “Cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh đến năm 2030”, chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,…
Kết bài
Công trình xanh tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững. Đây chính là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững.
Công trình xanh là xu hướng hội nhập thế giới về phát triển xanh đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, giảm chi phí cho doanh nghiệp khi vận hành công trình, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.