Các giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả tại Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam luôn đẩy mạnh khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050, góp phần phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị thế cạnh tranh của nền kinh tế. Hãy cùng NAAN tìm hiểu về những giải pháp năng lượng tái tạo có thể áp dụng để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, ....
Với đường bờ biển dài hơn 3260 km, cùng tốc độ gió trung bình 7 m/s đã trở thành điểm mạnh của Việt Nam trong ngành năng lượng tái tạo. Các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ tại Cà Mau đạt khoảng 225.000-300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thế mạnh về sản xuất và đã xây dựng những nhà máy chuyên sản xuất tấm quang năng. Đồng thời, sở hữu cơ sở hạ tầng và mạng lưới truyền tải vững chắc.
Tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Việc phát triển năng lượng tái tạo là rất quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực trạng phát triển ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Thời gian qua, với những tiềm năng nổi bật ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2018, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 5,2 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2017. Ngoài ra, các chương trình, dự án hỗ trợ quốc tế đạt tổng giá trị tài trợ khoảng 440 triệu USD. Đến năm 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đạt trên 5,1 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2019; có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW được khai thác hết công suất.
Các giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả
Phát triển chính sách năng lượng tái tạo: Chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng rõ ràng, quy hoạch và kế hoạch triển khai. Cần sớm xây dựng và ban hành Luật Năng lượng tái tạo để tạo bởi nước ta mới chỉ có Luật Điện lực, Luật Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng nhưng chưa đề cập nhiều đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việc ban hành Luật Năng lượng tái tạo sẽ là hành lang cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động đầu tư phát triển. Ngoài r, cần hoàn thiện các chính sách ưu đãi thuế đối với các thiết bị năng lượng tái tạo và thiết bị hiệu suất cao.
Tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách thúc đẩy hoạt động cải tiến và phát triển khoa học - công nghệ: Ưu tiên đổi mới, cải tiến các chính sách từ Chính phủ nhằm thu hút các dự án công nghệ mới. Bên cạnh đó, xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm dưới sự phối hợp nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước: Cần nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước để thu hút nguồn vốn nước ngoài. Đặc biệt là các nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, cần xây dựng hành làng pháp lý theo chuẩn quốc tế, mở rộng lưới điện có kiểm soát đối với nguồn năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Xây dựng mối liên hệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành.
Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng phát triển và mở rộng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển thị trường năng lượng tái tạo; nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm cho người dân trong thực hiện sử dụng nguồn năng lượng sạch gắn với tiết kiệm năng lượng.
>>> Xem thêm: 5+ Giải pháp năng lượng xanh, sạch, bền vững
Kết luận:
Với cam kết của Việt Nam về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo là điều tất yếu. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững và khả năng chống chịu trước những thách thức của biến đổi khí hậu.