Giỏ hàng của bạn

Quản lý phát triển bền vững là gì? Những thách thức và khó khăn

Nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây tuy đã tiến bộ hơn nhiều so với trước đây, các chỉ tiêu kinh tế có xu hướng tốt hơn, song nhiều lĩnh vực sản xuất có tình trạng thừa thiếu sản phẩm, thiệt hại do thiên tai dịch bệnh ngày càng nhiều, cạnh tranh toàn cầu khó khăn… gây nên sự phát triển thiếu bền vững trên phạm vi quốc gia cũng như ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, nhận diện phát triển bền vững như thế nào và quản lý phát triển bền vững ra sao đang là vấn đề cần làm rõ. 

Quản lý phát triển bền vững là gì?

Quản lý phát triển bền vững là hành vi của một chủ thể xác định, hữu trách tiến hành để làm cho đối tượng quản lý có được sự phát triển có hiệu quả hơn và bền vững hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho những người có liên quan.

>>> Xem thêm: Các giải pháp sử dụng năng lượng bền vững hiện nay

Tại sao quản lý phát triển bền vững lại quan trọng?

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng và nhà nước ta đã nhận định "phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới". Hơn nữa, về phương hướng, nhiệm vụ, Chiến lược cũng nêu rõ là: "Đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Vì vậy việc quản lý phát triển bền vững là không thể bỏ qua

  • Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu.

  • Phát triển kinh tế bền vững: Tạo ra các mô hình kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên.

  • Nâng cao chất lượng cuộc sống: Đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận nước sạch, không khí trong lành, và các dịch vụ xã hội.

  • Xây dựng một xã hội công bằng: Giảm bất bình đẳng, tạo cơ hội phát triển cho mọi người.

Khó khăn trong quản lý phát triển bền vững ở Việt Nam 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ, việc khó kiểm soát các mạng xã hội, tình trạng bị hacker tấn công phá hoại quản lý phát triển và sản xuất kinh doanh; công nghệ trung bình và kém chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển là không tránh khỏi.

Hệ thống quản lý bên cạnh nhiều tiến bộ cũng bộc lộ không ít bất cập. Luật pháp, chính sách hiện hữu tương đối đủ và từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên còn nhiều thiếu hụt, chằng chéo, chậm điều chỉnh. Công tác quản lý và điều hành của Nhà nước và doanh nghiệp đã có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của phát triển trong bối cảnh mới.

Sự thất thoát gây ra cho Việt Nam do các doanh nghiệp FDI sử dụng chiêu chuyển giá, trốn thuế, tổn thất do ô nhiễm môi trường… là bao nhiêu thì chưa được tính toán định lượng. Do đó, vấn đề quản lý FDI càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển bền vững.

Mặt khác, năng lực đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ cũng như năng lực công nghiệp chế biến, chế tạo của người Việt Nam đang còn rất hạn chế.

Kết luận

Nhà nước phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra được những lĩnh vực mũi nhọn, những sản phẩm chủ lực, những việc làm có thu nhập cao; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế của nhà nước; cộng đồng doanh nghiệp phải theo kịp các chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Đánh giá kết quả, hiệu quả phát triển bền vững là việc làm cần thiết và có thể làm được đối với cả quốc gia và đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đổi mới quản lý PTBV phải đi kèm với đánh giá kết quả, hiệu quả quản lý phát triển bền vững ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. 

Contact zalo