Động lực nào để thúc đẩy ESG tại các doanh nghiệp?
Ở Việt Nam tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, công bằng xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phải thác ròng về 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định, ứng dụng ESG hoặc ít nhất là thấm nhuần tư tưởng của bộ tiêu chí ESG trong điều hành doanh nghiệp. Thúc đẩy ESG đang là một trong những vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Động lực để thúc đẩy ESG tại các doanh nghiệp
Sự quan tâm ưu tiên của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đang dần chuyển hướng tập trung vào các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Thông qua sự thay đổi này cho thấy nhận thức ngày càng tăng rằng các vấn đề ESG có thể có tác động tài chính đối với các công ty như đã đề cập ở trên. Các nhà đầu tư dần ưu tiên đầu tư các công ty thể hiện các biện pháp thực hành ESG mạnh mẽ để tạo ra giá trị lâu dài.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trong thời kỳ thị trường bất ổn, các công ty thực hành khuôn khổ ESG hiệu quả có xu hướng hoạt động tốt hơn các đối thủ. Kinh nghiệm sau đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia cho thấy khả năng phục hồi của các công ty đã tích hợp các nguyên tắc ESG trong suốt quá trình phát triển.
Công nghệ ngày càng đổi mới góp phần chuyển đổi phương thức thực hành báo cáo ESG bằng cách giúp các công ty dễ dàng theo dõi, phân tích và báo cáo số liệu ESG của họ với độ chính xác, minh bạch và hiệu quả cao hơn. Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu đang cho phép các công ty thay đổi cách thức báo cáo truyền thống và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thông tin ESG toàn diện và đáng tin cậy.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, có thể thấy nhiều yếu tố như nói trên cũng đang thúc đẩy việc thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong những năm qua, nhà nước đã hướng dẫn và thúc đẩy thực hành ESG đối với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam như việc yêu cầu các công ty đại chúng và niêm yết phải công bố thông tin ESG; đào tạo, tuyên truyền nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp về thực hành ESG. Mặc dù vậy việc thực hành báo cáo ESG của các doanh nghiệp còn ở mức độ ban đầu, thể hiện ở các ưu tiên trong việc triển khai.
Thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam
Cần xây dựng nguyên tắc ESG phù hợp bằng việc ban hành các quy định xem xét bối cảnh kinh tế, môi trường địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét tích hợp thực hành ESG vào các chính sách vĩ mô và các ngành để làm cơ sở và thuận lợi cho việc thực hành ESG của các công ty niêm yết cũng như tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược phát triển kinh tế, nông nghiệp, môi trường…
Cần đầu tư thích đáng cho hạ tầng công nghệ giúp cơ quan quản lý tận dụng các công cụ kỹ thuật số như các nền tảng báo cáo tự động để hợp lý hóa việc thu thập dữ liệu, cải thiện tính minh bạch. Đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi và giảm chi phí trong thực hành ESG cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong việc đánh giá, phân tích, đầu tư theo ESG.
"Yếu tố 'G' trong ESG - quản trị doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Quản trị doanh nghiệp là nền tảng mà trên đó trách nhiệm môi trường và xã hội được xây dựng. Quản trị doanh nghiệp tốt thì công ty được quản lý tốt, minh bạch và có trách nhiệm. Nó tạo tiền đề cho các thực hành môi trường và xã hội vững chắc được phát triển và nảy nở. Bằng cách quản trị mạnh mẽ, các công ty sẽ nâng cao hiệu suất ESG của mình, đảm bảo vị trí của họ như là các cơ hội đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư, theo đó, có thể mong đợi các khoản đầu tư ổn định, bền vững và có lợi nhuận cao hơn.
Để thúc đẩy thực hành ESG toàn diện cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành do thực hành ESG liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; các cơ chế hợp tác công – tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế cũng là yêu cầu cần thiết như kinh nghiệm tại nhiều nước đã cho thấy.
Kết luận:
Trong hành trình hướng đến phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu “tăng tốc” để không bị bỏ lại phía sau. Thúc đẩy ESG không chỉ là một xu hướng mà là một phần không thể thiếu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.