Tiêu chuẩn phát triển bền vững chủ đạo cho một tương lai xanh
Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, được tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thông qua là lời kêu gọi toàn cầu cùng hành động đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được sống trong xã hội phát triển, bình đẳng và văn minh. Vậy cụ thể các tiêu chuẩn phát triển bền vững đó là gì?
3 Tiêu chuẩn phát triển bền vững chủ đạo
Về kinh tế: Phát triển nhanh, chất lượng và đảm bảo an toàn. Cần giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; thay đổi nhu cầu tiêu thụ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và môi trường. Bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục. Tập trung xóa đói, giảm nghèo.
Về xã hội: Được đánh giá qua chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; không còn chênh lệch về mức độ giàu nghèo, vùng miền.
Về môi trường: Phát triển bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan.
Ngoài những tiêu chí đánh giá tính bền vững chung thì doanh nghiệp nói riêng cần thêm mục tiêu Quản trị (ESG) vô cùng quan trọng hiện nay liên quan đến tính bền vững của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.Các tiêu chí quản trị bao gồm các chính sách, quy trình và thực tiễn tạo ra các quy tắc ra quyết định chỉ đạo và kiểm soát một doanh nghiệp. Các tiêu chí ESG của quản trị liên quan đến lãnh đạo, kiểm toán, trả lương cho giám đốc điều hành, quyền của cổ đông và kiểm soát nội bộ. Quản trị doanh nghiệp tốt đảm bảo trách nhiệm cao và tính minh bạch, đồng thời ngăn chặn gian lận và các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp. Một công ty được điều hành hiệu quả phải dựa trên cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp, dựa trên các nguyên tắc quản trị tốt sẽ ngăn ngừa các thảm họa lớn có thể xảy ra cho doanh nghiệp
Định hướng mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030
Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực đứng trước nhiều khó khăn, biến động với những lo âu về căng thẳng chính trị, chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề,... Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tăng từ 5-6% hàng năm (2020-2030), GDP bình quân đầu người duy trì mức 4-4,45% hàng năm. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 - 40% (2020). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Đến năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Năm 2025 sẽ không còn tình trạng đói nghèo, chấm dứt nghèo đói ở mọi nơi.
Về môi trường: Xây dựng một nền kinh tế phi phát thải. Giảm phát thải khí nhà kính: 5% năm 2020; 25% năm 2030 và 45% năm 2050. Năm 2030 có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh (2020) và 80 - 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 - 45%.
Kết luận:
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Trong hơn 30 năm đổi mới (1986-2019), Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ như đã cam kết về phát triển con người.