cart.general.title

Quy trình vận hành nồi hơi an toàn, hiệu quả

Nồi hơi là thiết bị sử dụng nhiệt lượng từ việc đốt cháy nhiên liệu đốt như than, dầu hay năng lượng điện để chuyển đổi nước thành hơi. Quá trình này sản sinh nhiệt lượng rất lớn và nguồn hơi nóng cũng có áp suất rất cao. Vì vậy, trong việc vận hành nồi hơi cần tuân thủ theo quy trình để đảm bảo sự an toàn. Vậy quy trình vận hành nồi hơi như thế nào? 

Vận hành nồi hơi là gì?

Vận hành nồi hơi là quá trình điều khiển và giám sát hoạt động của nồi hơi để đảm bảo nó sản xuất ra hơi nước với chất lượng và số lượng đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn cho người vận hành và thiết bị. Vận hành nồi hơi giúp:

  • Đảm bảo an toàn: Người vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành an toàn để phòng tránh các sự cố như nổ nồi hơi, rò rỉ hơi nước, cháy nổ...

  • Đảm bảo chất lượng hơi: Điều chỉnh các thông số hoạt động để sản xuất ra hơi nước có chất lượng phù hợp với yêu cầu của quá trình sản xuất.

  • Nâng cao hiệu suất: Tìm cách tối ưu hóa quá trình vận hành để giảm tiêu thụ nhiên liệu, tăng tuổi thọ của nồi hơi.

Quy định an toàn khi vận hành lò hơi là gì?

  • Chỉ sử dụng lò hơi đảm bảo an toàn, đã được kiểm định đầy đủ đúng quy định pháp luật

  • Việc vận hành thiết bị phải giao cho những công nhân có đủ trình độ chuyên môn, đầy đủ sức khỏe và có tinh thần trách nhiệm cao; Người vận hành lò hơi phải có: Thẻ an toàn huấn luyện an toàn vệ sinh lao động công việc vận hành lò hơi, chứng chỉ đào tạo vận hành lò hơi.

  • Việc tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm phát hiện và khắc phục những sai sót kỹ thuật;

  • Trước khi khởi động, người lao động phải kiểm tra các hệ thống điện, đồng hồ chỉ áp suất, các van khóa lắp đặt trên nồi hơi.

  • Vệ sinh, lau chùi mặt kính đồng hồ áp lực, mặt kính ống thủy hằng ngày để dễ dàng theo dõi mực nước và áp suất của nồi hơi.

  • Người lao động tham gia trực tiếp vận hành nồi hơi phải luôn có mặt khi thiết bị hoạt động, thường xuyên kiểm tra tình trạng của thiết bị. Vận hành lò hơi theo đúng quy trình vận hành tiêu chuẩn, ghi chép và báo cáo thường xuyên về khả năng hoạt động của thiết bị

  • Trong lúc làm việc, công nhân phải thường xuyên kiểm tra mực nước, áp lực hơi trong ống để đảm bảo an toàn, xử lý nhanh chóng những sai sót, sự cố kỹ thuật.

  • Vệ sinh và sửa chữa nồi hơi phải ngồi chờ nồi hơi nguội hẳn, sau đó mở hết cửa thông hơi rồi mới tiến hành các quy trình vệ sinh, sửa chữa

  • Khi sử dụng nồi hơi đốt dầu phải đảm bảo các ống dẫn phải kín, không để rò rỉ dầu ra môi trường ngoài. Ống dẫn hơi nước nóng phải được bao che bằng lớp cách nhiệt.

  • Những vật liệu dễ cháy nổ như xăng dầu phải để xa nồi hơi ít nhất 10m.

  • Không được để cạn nước nồi hơi.

  • Cấm bơm nước trực tiếp vào nồi hơi khi đang đốt.

  • Cấm hàn, sửa chữa nồi hơi và các bộ phận chịu áp lực của thiết bị này khi còn áp suất.

Ngưng sử dụng lò hơi khi :

  • Áp suất trong tăng quá mức cho phép

  • Khi các hệ thống an toàn không đảm bảo

  • Khi phát hiện bộ phận chịu áp lực có những vết nứt, phồng, rỉ sét,..

  • Khi áp kế bị hỏng và không có thiết bị thay thế

Quy trình vận hành nồi hơi an toàn

Bước 1: Chuẩn bị

Trong bước chuẩn bị vận hành nồi hơi cần kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, nước,... nhiên liệu đốt đặc biệt là mức nước trong bồn nước và chất lượng nước, bộ làm mềm. Tiếp theo tiến hành mở các van của đường hút và cấp gas, van trên đường hút và cấp nước, van gas mồi. Sau đó, tiếp tục kiểm tra mực nước trong lò, các hệ thống đo lường, cửa quan sát và các hệ thống an toàn của lò hơi. Cuối cùng, mở CB từ vị trí (OFF) sang vị trí (ON) cấp điện nguồn.

Bước 2: Vận hành bơm nước

Theo sự chỉ thị của tủ điều khiển bơm nước cấp của lò hơi hoạt động. Khi mực nước trong lò hơi đạt mức theo quy định, bơm nước dừng hoạt động.

Chúng ta có thể thực hiện chạy bơm nước bằng tay trong 2 trường hợp: Thay nước khi cần vệ sinh lại lò hoặc cấp nước nhanh khi hệ thống cấp nước tự động hỏng.

Bước 3: Kiểm tra khí gas

Ở bước này, cần kiểm tra van cấp khí gas, kiểm tra đồng hồ áp khí gas ở áp suất thích hợp (0.5 PSI).

Bước 4: Khởi động

Ở bước này cần chuyển tất cả các switch trên các tủ điện lò hơi về vị trí off trước khi bật nguồn. Tiếp đến, công nhân cần thực hiện mở công tắc chính. Lúc này, CB tổng chuyển sang vị trí (ON), đèn báo nguồn sáng, các tín hiệu sự cố báo cho công nhân nắm bắt để xử lý. Trong trường hợp nước trong lò hơi thấp, đèn báo cạn nước sáng, còi kêu.

Nếu ban đầu xảy ra sự cố, cần bình tĩnh xử lí bằng cách bật công tắc Pump Control sang vị trí ON, chọn bơm 1 hoặc bơm 2 bơm nước sẽ hoạt động cung cấp đủ nước cho lò hơi, khi đạt yêu cầu đèn Low Limit Water sẽ tắt khi ấn nút Low Limit Water Reset.

Trong lúc khởi động, nồi hơi sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động ở chế độ đốt tự động nếu các đèn báo sự cố hoàn toàn tắt. Lúc này, công tắc của bơm nước được mở, cấp liệu ở vị trí chạy tự động. Đến thời điểm này, nồi hơi bắt đầu vận hành.

Giai đoạn tiếp theo của quy trình vận hành lò hơi, cần khóa chặt van lại khi thấy có hơi nước thoát ra ở van xả khí, sau đó tiếp tục vận hành lò đến áp suất quy định. Nồi hơi chuyển sang chế độ đốt nhỏ khi áp suất gần đạt mức ổn định và tạm dừng hoạt động khi đạt đến áp suất định mức.

Trong lúc nồi hơi đang hoạt động, công nhân ngoài việc thường xuyên theo dõi các tín hiệu trên tủ điều khiển hay kịp thời phát hiện sự cố để xử lí, còn phải liên tục kiểm tra những thiết bị như kính thủy, áp suất hơi, nhiệt độ khói,... cũng như các thiết bị an toàn khác.

Bước 5: Ngừng hoạt động

Bước cuối cùng trong quy trình vận hành tiến hành xoay công tắc chính về vị trí OFF, cắt cầu dao điện hay áp tô mát để ngưng cung cấp điện về tủ điều khiển. Cuối cùng, nhân viên tiến hành kiểm tra lại toàn bộ thiết bị và làm thủ tục bàn giao theo quy định.

Trong quy trình vận hành lò hơi nồi hơi, cần xả van khí trên thân nồi hơi, xả đáy kết hợp với bơm nước khi nghỉ sản xuất. Lưu ý, tránh việc bơm nước lạnh quá nhiều với mục đích làm nồi hơi nhanh nguội. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo dưỡng khi ngưng sử dụng nồi hơi dài hạn.

>>> Xem thêm: Quy trình bảo trì lò hơi hiệu quả cho doanh nghiệp

Kết luận:

Chắc hẳn bạn đã nắm bắt được quy trình vận hành nồi hơi đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cũng cần có kế hoạch bảo dưỡng khi ngưng sử dụng nồi hơi dài hạn.