Bảo trì bảo dưỡng lò hơi: Phương pháp và hạng mục
25/09/23
I. MỤC ĐÍCH CÔNG VIỆC BẢO TRÌ BẢO DƯỠNG
- Bảo trì bảo dưỡng là các hoạt động chăm sóc về mặt kỹ thuật, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế một số linh kiện, chi tiết bên trong thiết bị, máy móc nhằm duy trì hoặc khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường của máy móc sau một thời gian vận hành. Công cuộc bảo trì bảo dưỡng còn giúp người sử dụng sớm phát hiện ra được các mầm mống hư hại để kịp thời xử lý, tránh các thiệt hại lớn cho thiết bị.
- Lò hơi bao gồm rất nhiều các thiết bị khác nhau, cơ chế hoạt động khác nhau và điều kiện bảo trì bảo dưỡng khác nhau. Cần nắm bắt rõ quy trình để bảo trì đầy đủ và đúng cách cho thiết bị. Tránh lãng phí thời gian và vật tư bảo trì dư thừa.
- Khi công việc bảo trì bảo dưỡng được đảm bảo, lò hơi sẽ vận hành an toàn và tin cậy. Tránh được các sự cố bị động gây thiệt hại lớn cho quá trình vận hành sản xuất.
II. CÁC PHƯƠNG PHÁP BẢO DƯỠNG LÒ KHI LÒ DỪNG HOẠT ĐỘNG
1. PHƯƠNG PHÁP BẢO DƯỠNG KHÔ
Áp dụng cho trường hợp lò có kế hoạch dừng thời gian từ 1 tháng trở lên.
- Sau khi ngừng lò, đợi lò giải nhiệt tự nhiên, nhiệt độ buồng đốt xuống thấp hơn 150oC, áp suất hơi trong khoảng 0,2bar đến 0,5bar.
- Tắt nguồn điều khiển.
- Mở van xả nhanh và xả hết nước trong lò, chú ý xả ở tất cả van xả đáy lò để xả sạch các ống góp, cụm thủy tối, thủy sáng, bộ hâm…
- Dùng củi sấy lò nhỏ lửa để làm khô lượng nước còn tồn đọng bên trong lò. Chú ý chỉ đốt thật nhỏ lửa để không làm hư hại lò vì bên trong lò không còn nước làm mát các dàn ống. Kiểm soát sao cho nhiệt độ buồng đốt không vượt quá 200oC, không sinh áp bên trong lò.
- Quan sát lượng hơi nước thoát ra ở đường van xả nhanh bắt đầu hết dần thì có thể dừng đốt cho lò nguội tự nhiên. Đóng các van xả đáy, van xả khí, van xả nhanh.
- Dùng 25kg vôi sống cỡ hạt 20mm đến 30mm cho vào khay inox hoặc nhôm và đặt trong balong hơi. Đóng các cửa balong hơi.
- Định kỳ khoảng 1 tháng 1 lần mở kiểm tra nếu các hạt vôi bị vỡ vụn cần thay mới sau đó đóng cửa balong lại.
2. PHƯƠNG PHÁP BẢO DƯỠNG ƯỚT
Áp dụng cho trường hợp lò có kế hoạch dừng thời gian dưới 1 tháng.
- Sau khi ngừng lò, đợi lò giải nhiệt tự nhiên, nhiệt độ buồng đốt xuống thấp hơn 150oC, áp suất hơi trong khoảng 0,5bar đến 1bar.
- Tắt nguồn điều khiển.
- Mở van xả nhanh và xả hết nước trong lò, chú ý xả ở tất cả van xả đáy lò để xả sạch các ống góp, cụm thủy tối, thủy sáng, bộ hâm… Sau khi xác nhận đã xả sạch nước, đóng các van xả đáy. Van xả nhan vẫn mở.
- Thay nước sạch đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn vào lò.
- Đun lò cho đến khi lò đạt 0,3bar khống chế đốt sao cho áp suất không được vượt quá 0,5bar, có hơi nước thoát ra ở van xả nhanh, duy trì trong 20 phút ở áp 0,3bar để xả hết lượng khí Oxy trong nước sau đó ngừng đốt. Đóng tất cả các van xả khí
III. CÁC HẠNG MỤC KIỂM TRA – BẢO DƯỠNG TRONG QUÁ TRÌNH LÒ HOẠT ĐỘNG
1. HÀNG GIỜ
- Kiểm tra sự hoạt động bình thường của các thiết bị đang vận hành.
- Mỗi ca kiểm tra chất lượng nước cấp, nước lò để đảm bảo chất lượng nước đang sử dụng.
- Mỗi ca xả đáy lò hơi và cụm kính thủy, kiểm tra hoạt động chính xác của thiết bị giám sát mức nước.
- Mỗi ca xả nước đọng trong máy nén khí, bình khí nén.
- Kiểm tra sự ổn định của nhiên liệu đầu vào.
- Kiểm tra thiết bị xả tro liên tục, không gián đoạn, không phát tán ra môi trường. Kiểm tra các phễu tro của thiết bị lọc bụi có thể xả bình thường, không bị tắc nghẽn bên trong (kiểm tra ân thanh xác định có hay không tắc tro trong phễu, kiểm tra có áp hút tại các cửa kiểm tra).
- Kiểm tra các mức nước trong hệ thống lò hơi, mức nước lò hơi màn hình và kính thủy, mức nước bồn nước cấp, hệ thống cung cấp nước nguồn.
- Kiểm tra mức nước các bể khử bụi, mức nước các bể lắng nước thải. Khi có dấu hiệu thiếu hoặc đầy cần kịp thời xử lý.
- Kiểm tra áp suất đầu đảy các bơm cấp nước lò hơi, bơm nước trung gian, bơm nước thiết bị phụ khác để kịp thười phát hiện các sự cố air bơm, mất nước hoặc hư hại bơm.
- Kiểm tra nhiệt độ các gối trục, động cơ đang hoạt động , các trường hợp nhiệt độ vượt quá 70oC cần lập tức thông báo nhân viên kiểm tra sửa cơ khí hoặc nhân viên có chức năng bảo trì và tiếp tục theo dõi.
- Kiểm tra các thiết bị quay không có âm thanh bất thường, không có dấu hiệu bị kẹt hay tắc nghẽn.
- Kiểm tra các thiết bị phụ, máy nén khí làm việc bình thường.
- Ghi chép lại các thông số của thiết bị để có cơ sở dự liệu giám sát và theo dõi.
2. HÀNG NGÀY
- Tổng hợp dữ liệu và so sánh.
- Kiểm tra và ghi chép đầy đủ các chỉ số: Chỉ số điện tiêu thụ, Chỉ số nước tiêu thụ, Chỉ số nhiên liệu đã sử dụng, Chỉ số hơi sinh ra, Chỉ số tro xỉ.
- Kiểm tra các thông số vận hành trong ngày. So sánh thông số vận hành với các ngày trước, tháng trước để kiểm tra phát hiện bất thường.
- Kiểm tra hoạt động của các động cơ Chính – Phụ trong toàn lò hơi.
- Vệ sinh quanh nhà lò hơi, chuyển tro xỉ đi xử lý.
- Ghi chép các công việc trong ca, ngày.
3. HÀNG THÁNG
Kiểm tra các đầu nối không bị lỏng lẻo, oxy hóa.
Tiểu tu.
- Kiểm tra sự hoạt động của van an toàn chu kỳ cách nhau 15 ngày ở trạng thái áp suất làm việc cho tất cả các van.
- Kiểm tra các đồng hồ áp suất làm việc bình thường.
- Vệ sinh các phin lọc, Y lọc nước.
- Kiểm tra các bẫy hơi làm việc bình thường.
- Mở kính thủy, thông rửa cụm thủy sáng nếu có dấu hiệu bị mờ.
- Làm sạch các thiết bị điện.
- Kiểm tra thiết bị đầu nối cọc dò cụm kính thủy tối. Kiểm tra các đầu nối không bị lỏng lẻo, oxy hóa.
- Vệ sinh tổng thể lò hơi: Vệ sinh loại bỏ tro bám bên trong các dàn ống trao đổi nhiệt, bộ hâm, bộ sấy, hồi lưu, trong các đường dẫn khói, các hệ thống lọc bụi.
- Tra dầu mỡ và kiểm tra các ổ bi và bạc đạn, động cơ giảm tốc.
4. NỬA NĂM
Trung tu
- Mở cửa balong hơi và balong nước, kiểm tra xem có cấu cặn bám bẩn phía trong ống không.
- Mở các cửa vệ sinh của các ống góp của buồng đốt và balong xem có bám các cáu cặn hay tạp chất khác hay không.
- Thay thế mới hoàn toàn mỡ, nhớt hoặc thay các ổ bi và bạc đạn trong các thiết bị.
- Kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị điện và các tiếp điểm đầu nối của các thiết bị điện.
- Kiểm tra các ống phun gió trong buồng đốt. Kiểm tra các lỗ ống phun gió nếu bị tắc nghẹt cần thông và làm sạch.
- Kiểm tra hệ thống xử lý nước cấp nồi hơi hoạt động bình thường. Tái sinh và đo chỉ số nước trước và sau tái sinh.
5. HÀNG NĂM
Đại tu
- Kiểm tra lại các tường lò có xây gạch chịu lửa và có hiệu tượng nứt sập vách và thể xây vá lại.
- Làm sạch và sơn lại các điểm, bộ phận bị rỉ sét.
- Kiểm tra hoặc thay các ống phun gió bị tắc không thể thông được.
- Kiểm trat hay mới các ổ bi, bạc đạn, dây curoa buli…
- Kiểm tra các cánh quạt và thân quạt xem có hiện tượng bị bám bụi hoặc ăn mòn hay không.
- Kiểm tra hệ thống cung cấp nước và có thể bảo trì bảo dưỡng hệ thống xử lý làm mềm nước cấp đầu vào.
- Kiểm tra bảo trì bảo dưỡng sự hoạt động của tất cả các van đóng mở, van an toàn, van cổng chỉnh cấp hơi.
- Kiểm tra bảo trì cụm điều áp.
- Kiểm tra thời hạn kiểm định của tất cả thiết bị lò hơi để kiểm định lại hoặc lên kế hoạch kiểm định đúng thời hạn. Theo Thông tư số 54/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội. Kiểm tra định kỳ là 02 năm/1 lần. Đối với nồi hơi đã sử dụng trên 12 năm thì thời han kiểm định định kỳ là 01 năm/1 lần.
- Kiểm tra vệ sinh hoặc tẩy sạch cáu cặn trong lò.