Quy trình khởi động và dừng lò hơi công nghiệp: Nắm vững để an toàn
Lò hơi tầng sôi - Công nghệ tiên tiến nhất trong các dạng lò hơi công nghiệp
Trong các ngành công nghiệp, lò hơi là một thiết bị quan trọng, được sử dụng để tạo ra hơi nước áp lực cao phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như sản xuất, chế biến, vận chuyển,... Tuy nhiên, lò hơi cũng là một thiết bị tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nếu không được vận hành an toàn.
Chính vì vậy, nắm vững quy trình khởi động và dừng lò hơi công nghiệp là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những người vận hành lò hơi. Vậy quy trình này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Khởi động lò hơi công nghiệp
Quy trình khởi động lò hơi công nghiệp
Quy trình khởi động lò hơi công nghiệp gồm các bước sau:
- Mở hoàn toàn các van nước trên đường nước cấp vào tank nước, vào lò hơi.
- Mở hoàn toàn van xả khí trên thân lò.
- Đóng hoàn toàn van hơi chính trên thân lò
- Thao tác trên tủ ĐK: Lựa chọn ""Bơm 1"" hoặc ""Bơm 2". Chọn chế độ hoạt động tự động cho bơm nước."
- Khởi động hệ thống cấp liệu để cấp nhiên liệu vào lò. Bật băng tải ở tần tốc độ 8Hz trong vòng 2 phút."
- Dùng vật liệu dễ cháy hoặc dầu DO để mồi lửa. Dùng cây châm lửa để nhóm lò
- Quan sát buồng lửa, san đảo để cho nhiên liệu cháy đều.
- Khởi động quạt hút từ 10-12Hz.
- Khởi động quạt thổi 5-6Hz, nếu quá trình cháy diễn ra mãnh liệt thì tăng dần quạt thổi lên đến 10Hz.
- Điều chỉnh tốc độ cấp liệu theo mức độ cháy của nhiên liệu, quan sát ngọn lửa trong buồng đốt. Tăng nhiệt độ buồng đốt lên đến 900⁰C
- Khi áp suất trong lò hơi trong dải 0,5-1 barG thì đóng van xả khí
- Khi áp suất trong lò hơi trong dải 2-3 barG thì mở hoàn toàn van hơi chính. Lưu ý sấy đường ống trước khi mở hoàn toàn.
- Khi thông số hơi đạt thông số yêu cầu, lò hơi đã được khởi động thành công, tiến hành cấp hơi cho nhà máy. Lưu ý sấy đường ống trước khi mở hoàn toàn van.
- Thông báo cho nhà máy quá trình khởi động đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ sản xuất. Kết thúc quá trình khởi động.
Vệ sinh buồng đốt trước khi tiến hành nhóm lò
2. Dừng lò hơi công nghiệp
Quy trình dừng lò hơi công nghiệp
Quy trình dừng lò hơi công nghiệp gồm các bước sau:
- Dừng cấp liệu, sau khi đảm bảo không còn liệu nằm trên phễu chứa và các thiết bị vận chuyển thì dừng các thiết bị cấp liệu. Chuyển côn tắc về vị trí "Tắt".
- Ghi lại thông số vận hành của lò vào nhật ký vận hành.
- Khi nhiệt độ buồng đốt giảm xuống dưới 700⁰C, Tắt quạt cấp 2, quạt thổi liệu, quạt hồi lưu.
- Khi nhiệt độ buồng đốt giảm xuống dưới 500⁰C, xác định nhiên liệu đã cháy hết. Tắt quạt gió cấp 1, đồng thời giảm tần số quạt hút để giảm áp âm buồng đốt.
- Khi nhiệt độ buồng đốt giảm xuống dưới 350⁰C, Tắt quạt khói.
- Tắt các thiết bị phụ, thiết bị xả tro, thiết bị xử lý khói thải.
- Bơm cấp nước lò vẫn để chế độ tự động và quan sát theo dõi mức nước, tuyệt đối không được tắt bơm nước cấp lò hơi.
- Khi áp suất hơi giảm xuống <50% áp suất làm việc, bơm nước bằng chế độ tay lên mức cảnh báo đầy nước thì ngừng bơm.
- Đóng van hơi chính sau khi bơm đủ nước để đảm bỏa lưu nước trong lò cho lần khởi động tiếp theo. Lưu ý: Không đồng thời vừa bơm nước và đóng van.
- Tắt nguồn hệ thống điện. Kết thúc quá trình dừng lò bình thường
3. Những lưu ý trong quá trình vận hành
Những điểm sau đây phải được làm theo một cách chính xác khi vận hành lò hơi:
- Phải đảm bảo những yêu cầu của nước cấp khi cấp cho lò hơi. Bất kỳ sự sai lệch nào về phẩm chất của nước có thể dẫn đến vài vấn đề nghiêm trọng trong quá trình vận hành nguyên nhân là do lắng đọng cáu bẩn …
- Không bao giờ để xảy ra tình trạng không quan sát được mức nước trong ống thuỷ.
- Động cơ của quạt / bơm có độ lớn đáp ứng đủ tải (ở nhiệt độ làm việc) tránh làm cho động cơ bị quá tải.
- Không vận hành lò hơi dưới 50% tải khi đó sẽ dẫn tới lớp sôi không tồn tại và phát sinh một số vấn đề khác trong vận hành.
- Nhiệt độ tầng sôi không bao giờ được cao quá 900oC.
Dùng trang nhỏ san đảo đều nhiên liệu khắp mặt ghi, để buồng đốt cháy đều
- Người vận hành phải thực hiện nghiêm ngặt qui trình, quy phạm đã ban hành trong khi vận hành lò hơi. Mọi thông số kĩ thuật cần thiết và tình trạng hoạt động của lò hơi phải được ghi vào sổ theo dõi vận hành để làm cơ sở cho việc đánh gía đúng chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật nhằm đưa lò hơi vào chế độ vận hành tối ưu, cũng như tìm giải pháp kĩ thuật đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho lò hơi.
- Tùy theo mức độ mang tải của lò hơi mà điều chỉnh tốc độ cấp nhiên liệu cho phù hợp, không để lò hơi bị tăng áp suất quá mức gây tự dừng lò hoặc tụt nhiệt độ gây tắt lò. Duy trì nhiệt độ buồng đốt luôn ở trong khoảng 800 - 850oC. Hạn chế đốt lò dưới 50% công suất để tránh đọng bám các sản phẩm lên bề mặt các ống lửa, bộ hâm nước và đường thải gió, dẫn đến giảm hệ số truyền nhiệt của lò hơi.
- Điều chỉnh áp suất quạt đẩy để duy trì tầng sôi của nhiên liệu, luôn duy trì áp suất buồng đốt ở -2 - -5mm cột nước.
- Nếu nhiệt độ buồng đốt tăng quá mức có thể giảm tốc độ cấp nhiên liệu.
- Nếu nhiệt độ buồng đốt giảm nhanh xuống dưới 700oC thì phải tiến hành giảm áp suất gió quạt đẩy quạt hút (mà vẫn duy trì tầng sôi đều khắp), giảm tốc độ cấp nhiên liệu về mức thấp và quan sát chặt chẽ ngọn lửa, nếu thấy buồng lửa có màu đỏ tối vẫn lác đác có ánh xanh của lửa nhiên liệu thì giữ nguyên hiện trạng buồng đốt để nhiệt độ tăng chậm và lập lại quá trình đã nêu trong giai đoạn nhóm đốt lò cho đến khi nhiệt độ buồng đốt đạt 800oC thì trở lại duy trì lò bình thường.
- Trong ca người vận hành phải đi kiểm tra toàn bộ các thiết bị thuộc khu vực lò đang vận hành để kịp thời phát hiện những hiện tượng hoạt động không bình thường của chúng như: Tiêng kêu lạ, nóng quá mức cục bộ, xì hở van, bích, rung động bất thường. Đặc biệt chú ý kiểm tra các thiết bị báo động và an toàn của lò hơi.